fbpx

Nhiếp Ảnh Và Du Lịch

CHỤP MILKY WAY – DẢI NGÂN HÀ

I. Milky Way là gì?

Trong vũ trụ bao la có tới tỷ tỷ Thiên Hà khác nhau, mỗi Thiên Hà sẽ có các hình dạng khác nhau như dạng đĩa, dạng xoắn hoặc các dạng khác phức tạp nhưng có một điểm chung là chúng đều dẹt. Thiên Hà mà chứa hệ Mặt Trời của chúng ta có tên là Ngân Hà hay còn gọi là Milky Way.

Sở dĩ có tên gọi là dải Ngân Hà hay sông Ngân Hà là vì khi nhìn ở Trái Đất, các thiên thể tập hợp trong Thiên Hà ở rất xa chúng ta nên không phân biệt rõ từng ngôi sao một, mà chỉ thấy hai dải sáng bạc giống như một dòng sông trên trời nên gọi là sông Ngân Hà (Sông Bạc).

Milky Way xuất hiện quanh năm trên bầu trời, tuy nhiên muốn quan sát được rõ nhất thì thời gian rơi vào khoảng tháng 3 đến tháng 9. Điều kiện để quan sát và chụp Milky Way là vào những buổi tối trời trong, không trăng không mây, khu vực quan sát không bị ánh sáng đèn đô thị hắt lên.

II. Xác định vị trí Milky Way.

– Để xác định được vị trí của Milky Way, thời gian nào có mặt trăng, mặt trăng có nằm ở vị trí Milky Way hay không… ta phải sử dụng những phần mềm trên Smartphone, những phần mềm phổ biến như:

+ IOS : Sky Guide, Star Walk 2, Stellarium Mobile, PhotoPills…

+ Android : Stellarium Mobile, PhotoPills, Star Walk 2…

III. Thiết lập máy ảnh

– Chế độ chụp:  Chụp chế độ M.

– Định dạng file: Chụp file Raw để có thể hậu kì tốt nhất.

– Cân bằng trắng: Auto (vì đằng nào cũng về hậu kỳ).

– Lấy nét: Nên lấy nét bằng tay, vì chụp trong môi trường tối nên không thể lấy nét tự động. Hãy bật Live view và dùng đèn pin chiếu vào vật nào đó cách máy ảnh khoảng 20 – 30 mét (hoặc hơn) rồi lấy nét bằng tay vào vật đó, khoảng cách lấy nét này sẽ bảo đảm cho hậu cảnh nét tốt ở khẩu lớn như 2.8 (với tiêu cự Ultra Wide).

– Khẩu độ: Mở khẩu độ lớn nhất của ống kính.

– Tốc độ chụp: Phần này rất quan trọng. Nếu bạn phơi sáng quá lâu (thời gian chụp lâu) thì sao sẽ tạo thành vệt, phơi sáng ngắn quá thì ảnh không dủ sáng. Thời gian phơi sáng dài nhất có thể phụ thuộc vào tiêu cự lens bạn đang sử dụng và loại máy bạn dùng. Công thức để tính thời gian phơi sáng là:

* Với máy fullframe: 500/tiêu cự ống kính . Vì sao lấy số 500? Đó chẳng qua là cách tính liên quan tới tốc độ quay của trái đất, bạn không cần phải quan tâm.

Ví dụ:
+ Sử dụng lens tiêu cự 15mm: 500/15 = 33s. Vậy với lens tiêu cự 15mm thì bạn có thể phơi sáng 33s là tối đa
+ Sử dụng lens tiêu cự 24mm: 500/24 = 21s. Vậy với lens tiêu cự 24mm thì bạn có thể phơi sáng 21s là tối đa

* Với máy crop: 500/tiêu cự ống kính/hệ số crop. Thông thường các máy DSLR Crop của Canon thì hệ số crop là 1.6, của Nikon là 1.5

Ví dụ:
+ Sử dụng lens tiêu cự 16mm của máy nikon: 500/16/1.5 = 21s. Vậy với lens tiêu cự 16mm của máy nikon thì bạn có thể phơi sáng 21s là tối đa.
+ Sử dụng lens tiêu cự 16mm của máy canon: 500/16/1.6 = 20s. Vậy với lens tiêu cự 16mm của máy canon thì bạn có thể phơi sáng 20s là tối đa.

ISO: Nên bắt đầu từ 1600 và tăng dần cho đến khi có biểu đồ Histogram mong muốn. Có 5 trường hợp Histogram như sau :

Trường hợp 1: Histogram vượt cạnh trái tức là ảnh bị thiếu sáng, chi tiết phần tối bị mất. Lúc này bạn phải giảm tốc độ chụp (tức là tăng thời gian phơi lên), mở khẩu hoặc tăng thêm ISO.

Trường hợp 2: Histogram chạm cạnh trái, đây là trường hợp phổ biến nhất đối với Milky Way. Lúc này để ảnh được tốt nhất nên tăng nhẹ ISO hoặc tăng thời gian phơi lên một ít.

Trường hợp 3: Histogram vừa phải, khi có biểu đồ như vậy bạn không cần phải chỉnh thêm số gì khác.

Trường hợp 4: Histogram chạm cạnh phải, có nghĩa là phần tối đang dư sáng một chút. Tuy nhiên với việc chụp file Raw vấn đề này có thể khắc phục mà không cầm điều chỉnh lại các thông số chụp.

Trường hợp 5: Histogram vượt cạnh phải, ảnh bị cháy sáng, mất chi tiết vùng sáng, cái này rất dễ gặp phải trong điều kiện ô nhiễm ánh sáng hoặc có mặt trăng. Lúc này bạn phải tăng tốc độ chụp (tức là giảm thời gian phơi lên), khép khẩu hoặc giảm ISO.